Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình.

Về ôn tập, với những học sinh thi môn Toán chỉ xét tốt nghiệp, thầy Đào Quang Bình khuyên cần tập trung ôn kỹ các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong từng chủ đề chắc chắn sẽ có trong đề thi.

Để hệ thống hoá kiến thức nhanh, trọng tâm và có chiều sâu, học sinh có thể sử dụng sơ đồ tư duy, mỗi một chủ đề một sơ đồ sao cho dễ nhìn và logic nhất. Các em tự vẽ sơ đồ tư duy theo cách của riêng mình, không nên sao chép và sử dụng sơ đồ của người khác; có như vậy mới hoàn toàn chủ động trong việc nắm bắt nội dung của chủ đề.

Với học sinh sử dụng điểm môn Toán để xét tuyển vào đại học, việc ôn tập cần thường xuyên và tích cực hơn. Cụ thể như sau:

Về lý thuyết, nhất định phải rà soát lại được ít nhất một lần toàn bộ lý thuyết của từng môn học. Các em có thể chia nhỏ ra, mỗi hôm học mấy chủ đề và cố gắng hoàn thiện cho đến trước khi thi ít nhất 3 ngày, bền bỉ và kiên trì. Hệ thống hoá dưới dạng sơ đồ tư duy của riêng mình.

Về bài tập, các em hoàn thiện trong sơ đồ tư duy các dạng bài tập và những lưu ý kèm theo trong quá trình giải, các công thức (nếu có).

Ngoài việc hệ thống hoá kiến thức, thì việc luyện đề thi thử là điều không thể thiếu được nếu các em muốn có bước tiến nhảy vọt trong giai đoạn nước rút này. Nhưng việc luyện đề sao cho có hiệu quả, cũng cần có những lưu ý riêng.

Thứ nhất là nguồn đề: Các em phải tìm được các nguồn đề tin tưởng, đúng cấu trúc Bộ GD&ĐT đã ban hành, ví dụ như các đề thi thử của các Sở GD&ĐT…

Đề nên có đáp án chi tiết để sau khi làm các em có thể tự so lại kết quả và tự đánh giá sự tiến bộ của mình cũng như xem lại các câu sai.

Cách thức làm đề: Đầu tiên làm đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT cho các môn thi. Sau đó các em dành thời gian suy ngẫm những câu mình sai, những câu mình không làm được và tự đi tìm câu trả lời trước khi xem đáp án; xem đáp án không hiểu bắt buộc phải hỏi bạn bè, thầy cô cho bằng hiểu thì thôi.

Các em nên chia nhỏ, tuỳ theo lực học và sự tự tin ở các môn mà mỗi ngày quyết tâm làm bao nhiêu đề đối với từng môn, và cố gắng duy trì nó.

Bên cạnh việc cố gắng tổng lực dành thời gian cho việc học nhiều nhất, các em cũng cần chú ý ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Cố gắng hạn chế tối đa sử dụng điện thoại, mạng xã hội cũng như chơi điện tử trong giai đoạn này.